Giáo hoàng Giáo_hoàng_Piô_X

Bầu cử

Tháng 8 năm 1903, 62 vị Hồng y họp để bầu ra người kế vị Giáo hoàng Lêô XIII. Đây là cuộc bầu Giáo hoàng cuối cùng có thế quyền ảnh hưởng vào. Khi đó, các Hoàng đế Áo-Hung, Vua Pháp và Vua Tây Ban Nha còn đang có quyền "veto" (quyền phủ quyết) các ứng cử viên Giáo hoàng. Chính vì thế Hoàng đế Áo-Hung đã dùng quyền này loại trừ một ứng cử viên rất vượt trội là Hồng y Mariano Rampolla – tổng trưởng ngoại giao.

Trong Cơ mật viện được mở ra ngày 1 tháng 8 năm 1903, hồng y Puzyna, tổng Giám mục của Cracovie cho biết Hoàng đế Áo-Hung phủ quyết việc bầu ông này. Vậy là Rampolla không được bầu. Sau này người ta không biết rõ ràng Hồng y Rampolla có phải là người mà các vị Hồng y khác chọn làm Giáo hoàng hay không. Thế nhưng trong cuộc bầu này Hồng y Giuseppe Sarto đã trở thành Giáo hoàng, lấy tông hiệu là Piô X. Thời gian Cơ mật viện họp bầu là 4 ngày. Sau khi lên ngôi Giáo hoàng, việc đầu tiên vị Giáo hoàng này làm là viết một sắc lệnh hủy bỏ đặc quyền "veto" của các vị vua.

Người ta kể lại rằng trong lần bầu Giáo hoàng này, khi nhận thấy các Hồng y có mặt trong cơ mật viện cứ từ từ dồn phiếu cho mình mỗi lúc mỗi tăng lên, hồng y Giuseppe Sarto, Thượng Phụ thành Venezia/Ý, với thái độ đầy run sợ đã khẩn khoản xin các Hồng y trong cơ mật viện: "Tôi bất lực và không xứng đáng. Xin các Đức Hồng y hãy quên tôi đi!" Cuối cùng 50 trong số 62 vị Hồng y trong cơ mật viện đã bỏ phiếu bầu ông làm Giáo hoàng. Khi nhận rõ được ý Chúa muốn ông gánh vác trách nhiệm của Giáo hội, ông đã nói với cơ mật viện:

"Xin quý Chư Huynh hãy giúp đỡ tôi. Tôi thành khẩn xin quý Chư Huynh hãy giúp đỡ tôi!".

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hoàng Piô X là một trong những vị đại Giáo hoàng đã canh tân Giáo hội nhiều nhất, đúng với khẩu hiệu của ông đã chọn khi lên ngôi Giáo hoàng: "Đổi mới tất cả trong Đức Kitô".

Ngay khi vừa lên ngôi Giáo hoàng, việc đầu tiên là ông đã ra tông thư Commissum Nobis để quyết định trong các cuộc bầu trong mật nghị sau này, không ai được dùng chính trị ảnh hưởng. Việc chú giải khẩu hiệu "Thiết lập mọi sự trong Đức Kitô" của ông, qua thông điệp đầu tiên của ông E supremi apostolatus (1903) cho thấy ông xác tín rằng Giáo hội mang trong mình tất cả mọi khả năng thiêng liêng và không cần phải nhận lãnh những khả năng ấy từ bất cứ ai ở bên ngoài.

Quan hệ với các nước

Ông đã không có được những đức tính cần thiết của một nhà ngoại giao. Nhưng ông đã bù lại những điều bất lợi này bằng cách tập họp quanh mình những người có năng lực như hồng y Rafael Merry del Val, 38 tuổi biết nhiều thứ tiếng và là giám đốc Viện hàn lâm các quý tộc giáo hội, mà Giáo hoàng Piô X đã bổ nhiệm làm tổng trưởng ngoại giao. Ông đã tập hợp các lợi tức của đồng tiền thánh Phêrô và các lợi tức của Vatican cho việc mua các căn hộ mới.

Pháp

Vào năm 1905, khi Pháp bất đồng với Tòa Thánh và đe dọa sẽ tịch thu tài sản của Giáo hội nếu không cho phép chính quyền xen vào các vấn đề nội bộ của Giáo hội, Giáo hoàng đã can đảm từ chối thỉnh cầu này.

Cuộc đấu tranh chống nhà thờ lại trở lại sau vụ Dreyfus (vụ kết án oan Alfred Dreyfus, sĩ quan Pháp theo Do Thái giáo, làm gián điệp cho Đức). Kết quả là sự cắt đứt giữa các giáo hội và nhà nước vào tháng 12 năm 1905. Giáo hoàng Piô IX cấm giáo dân Ki-tô Pháp tuân theo pháp luật bằng cách lập những hiệp hội thờ cúng.

Thông điệp Vehementer Vos của Giáo hoàng (ngày 11 tháng 2 năm 1906) lên án đạo luật "Chính giáp phân ly" đã công bố ở Pháp ngày 9 tháng 12 năm 1905, sự tách biệt Giáo hội và Nhà nước bằng một văn kiện đơn phương.

Ngày 10 tháng 8 năm 1906 qua tông thư Gravissimo munere, ông phủ nhận việc thành lập: "Hội đồng Tôn giáo" đồng thời ban phép cho các giám mục đưa ra những biện pháp cần thiết để đối phó với tình thế. Vậy là tại Pháp đã có chế độ tách rời Giáo hội với nhà nước "triệt để nhất trên thế giới".

Ý

Giáo hoàng Piô X đã mở đường để việc giao hảo dễ dàng hơn với vương quốc Ý, khuyến khích người Công giáo tham gia chính trị, bỏ phiếu,… Ông chấp nhận việc phân lập giữa Giáo hội và thế quyền và cho rằng một hàng giáo sĩ nghèo, như ở nước Pháp.

Cai quản giáo hội

Năm 1881, ông phải chia lại ranh giới và giảm thiểu số giáo phận ở Bồ Đào Nha còn 3 tổng Giám mục và 9 Giám mục. Năm 1896, ông tuyên bố sự vô hiệu trong việc tấn phong giám mục và linh mục của Anh giáo. Ông cũng thiết lập hàng giáo phẩm Ireland (Ái Nhĩ Lan) với hai tòa tổng Giám mục. Ông tôn phong thánh Curé d’Ars như một biểu tượng và gương mẫu cho các linh mục và hàng giáo sĩ.

Ngay từ đầu, Giáo hoàng Piô X đã quan tâm một cách đặc biệt đến chương trình mục vụ trong Giáo hội. Ông tìm cách quân bình giữa thế giới tân tiến và truyền thống Kitô giáo. Nhưng trước hết, ông chăm lo đến việc canh tân nội bộ Giáo hội, đúng với khẩu hiệu của ông: "Đổi mới tất cả trong Đức Kitô".

Theo ông, trước hết các linh mục phải lo sống thế nào để có được Chúa Giêsu trong chính mình, nếu họ muốn mang Chúa đến cho những kẻ khác. Ông viết:

Là những Linh mục của Chúa, chúng ta cần phải giới thiệu Đức Kitô cho mọi người và hành động trong tinh thần của Người. Là bạn hữu nghĩa thiết của Người, chúng ta ‘phải có những tâm tình như Đức Kitô’ (Pl 2,5), Đấng hoàn toàn thánh thiện, vô tội và tinh tuyền. Bởi vì tình bạn luôn đòi hỏi phải cùng ước muốn hay không ước muốn như nhau.

— Giáo hoàng Piô X

Để làm sống động lại việc nghiên cứu Kinh Thánh, ông đã cho duyệt lại bản Thánh Kinh Vulgata và khích lệ các nhà chú giải Thánh Kinh qua thông điệp Spiritus Paraclitus, canh tân thánh nhạc Gregoriana, Sách Lễ, lịch Phụng vụ, sách Nhật Tụng của các giáo sĩ, …

Năm 1907, Giáo hoàng Piô X trao cho dòng Biển Đức việc in ấn một bản dịch Vulgata dựa theo khoa chú giải (Sáng thế ký phát hành 1926); và sau đó 2 năm, Học viện Thánh kinh Giáo hoàng được thành lập (sau này đã sáp nhập vào đại học Gregorian).

Nhiều việc cải cách khác liên quan đến lễ nghi phụng vụ, Hiến chế Divino afflatu vào ngày 1 tháng 11 năm 1911 sửa đổi việc đọc Thánh vịnh trong Kinh Thần Vụ; tự sắc về Thánh nhạc ngày 11 tháng 11 năm 1903 đề cao bình ca Gregorian trong phụng vụ và cấm dùng các bản nhạc đời thường trong thánh đường. Sau cùng nhiều vị Hiển thánh và Chân phước được tuyên phong trong đó có 28 Chân phước tử đạo Việt Nam.

Giáo hoàng đã chuẩn bị việc pháp điển hóa luật Giáo hội. Một ủy ban soạn thảo được thành lập gồm nhiều hồng y, các nhà giáo luật và thần học nổi tiếng. Ông cũng ra nhiều văn kiện mới để đưa vào bộ giáo luật mới như sắc lệnh Netemere (2/8/1907) về Hôn nhân Công giáo, Hiến chế Sapienti Consilio (29/6/1908) tổ chức lại các thánh bộ đã có từ thời Giáo hoàng Xíttô V và lập thêm nhiều bộ mới. Sắc lệnh Maxima Cura (20/8/1910) về việc thuyên chuyển các cha sở.

Ông đã tái lập Công việc của các Đại hội dưới tên là Hành động đại chúng Kitô giáo (Action populaire chrétienne) và đã thành lập tại Bergame một Trường Khoa học Xã hội. Bằng một bức thư năm 1910 gửi cho hàng Giám mục Pháp, ông đã lên án phong trào Sillon của Marc Sangnier. Năm 1911, ông lên án sự dung hòa tôn giáo trong các nghiệp đoàn Ki-tô giáo nước Đức.

Trong một bài huấn từ ông nói:

Đời sống tôn giáo và xã hội phải luôn là một học hỏi nghiên cứu để đạt đến vẻ cao đẹp của Chúa Kitô, để nâng cao nhân phẩm và đem thế giới trở về khái niệm ban đầu là hòa hợp, hoà giải và hòa bình.

— Giáo hoàng Piô X

Lên án thuyết Duy Tân

Ngày 3 tháng 7 năm 1907, ông ban hành thông điệp Lamentabili kết án 65 mệnh đề duy tân thuyết. Trong đó có đoạn:

20. Mạc khải là ý thức đắc thủ do con người trong tương quan với Thiên Chúa. 36. Sự Phục Sinh không đúng nghĩa là biến cố lịch sử mà là sự kiện siêu nhiên mà lương tâm Kitô hữu dần dần diễn dịch ra từ những sự kiện khác. 65. Đạo Công giáo ngày nay không thể nào nối kết được với khoa học trừ khi phải biến đổi thành thứ Kitô giáo không còn tính cách tín điều.

— Thông điệp Lamentabili

Ngày 8 tháng 9 năm 1907, Giáo hoàng Piô X ban hành Thông điệp Pascendi lên án những sai lạc của các người theo thuyết Duy Tân. "Nhìn tổng quát cả hệ thống, có ai còn ngạc nhiên khi ta xác định nó là điểm hội ngộ của tất cả mọi lạc thuyết chăng ?... Những nhà duy tân thuyết không những hủy diệt đạo Công giáo mà là mọi tôn giáo, như ta đã từng nhấn mạnh".

Sau đó những ủy ban kiểm soát các thành viên Duy Tân Thuyết được thành lập. Các giáo sĩ làm giáo sư hay nhận chức vụ từ nay phải tuyên thệ chống Duy tân thuyết (1910). Các tu sĩ học đại học triết học hay lịch sử đều phải xin phép riêng.

Ông cũng chăm lo những vấn đề xã hội và cố gắng ngăn cản cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Để chống lại những trào lưu tối tân hóa quá khích và những người chủ trương chúng, Giáo hoàng Piô X đã có những biện pháp hết sức nghiêm nhặt đề phòng, vì thế đã dẫn tới những vụ tố cáo trong nội bộ Giáo hội và gây ra sự bất an rộng lớn.

Các sắc lệnh về rước lễ

Giáo hoàng Piô X đã ban hành hai sắc lệnh quan trọng về việc rước lễ là Sancta Tridentina Synodus và Quam singulari Christus amore. Một điều hết sức mới mẻ ở đây là ông đã ban phép cho các trẻ em dưới mười tuổi cũng được rước lễ, nếu các em biết phân biệt được Mình Thánh Chúa và bánh ăn bình thường, đúng như ý kiến thánh Thomas Aquinô. Vì từ trước cho tới lúc bấy giờ chỉ những trẻ em từ 12 hay 14 tuổi trở lên mới được rước lễ. Nhưng bây giờ các trẻ em từ 7 hay 8 tuổi cũng có thể được phép rước lễ.

Giáo hoàng luôn xác tín rằng qua việc rước lễ hằng ngày, "chúng ta được tiếp rước Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, chúng ta sẽ được củng cố, được thêm sức mạnh và lòng dũng cảm để cùng Người chiến thắng được cuộc sống đầy cam go thử thách này". Vì trước đó từng có những trào lưu và quan niệm cho rằng các tín hữu chỉ mỗi tháng hay mỗi năm mới được phép rước lễ một lần mà thôi. Nhưng ông lại muốn cộng đồng dân Chúa phải trở thành cộng đồng Thánh Thể.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_hoàng_Piô_X //nla.gov.au/anbd.aut-an36088413 http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/Saints/Thang8... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb119199550 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb119199550 http://www.idref.fr/027075524 http://id.loc.gov/authorities/names/n80096718 http://d-nb.info/gnd/118594737 http://opac.sbn.it/opacsbn/opac/iccu/scheda_author...